“Em sinh ra trong một gia đình khó khăn. Cuộc sống quanh năm chỉ là sự lam lũ làm nông của ba mẹ. Nhiều lúc vì cuộc sống quá tù túng, ba lại uống rượu say và đập phá đồ đạc, đánh mẹ. Có lần ba định rải xăng định đốt nhà cửa. Tủ sách duy nhất của hai chị em cũng vì những lần như vậy mà tàn tạ đi. Em nhận thức được cuộc sống nghèo khổ của gia đình, rằng mẹ rất khổ, phải lặn lội một mình để nuôi ba con và chồng. Dẫu vô cùng cơ cực nhưng em vẫn cố gắng hết mình trong học tập. Từ nhỏ em đã bị khuyết thị, bị kì thị bởi người chung quanh, ít bạn, ít tiếp xúc… Em cố gắng mà không thấy tương lai, trong đầu chỉ là những suy nghĩ tiêu cực.”
Đây là những dòng mà Rơ Châm Ling (dân tộc Jrai, tỉnh Gia Lai) tự mô tả về mình và cuộc sống muôn vàn khó khăn của gia đình trước khi vượt qua nhiều bạn khác để được tham gia dự án Mở Đường Đến Tương Lai. Tuy mỗi ngày của Ling đều trôi qua trong quá nhiều trăn trở về tương lai, cô học trò nhỏ từ lâu đã rèn luyện nghị lực và mong muốn việc học sẽ mở ra cho em và gia đình một tương lai mới. Đôi mắt của Ling không tinh tường như bao người nhưng trái tim em thật trong sáng, giúp soi rọi con đường em đang bước tới và phát triển tiềm năng của mình. Đối với đội ngũ Mở Đường Đến Tương Lai, Ling là một nữ sinh kiên cường, tài giỏi, luôn yêu thương cuộc sống và trân trọng những cơ hội mình đang có với dự án học bổng dài hạn này.
Sau hành trình Ngày Hội Ước Mơ vừa qua, Ling gửi cho chúng tôi những tâm sự chân thành và trong trẻo về những trải nghiệm mới mẻ của em trong 3 ngày sinh hoạt và học tập tại thành phố mang tên Bác Hồ cùng các bạn nữ sinh Mở Đường Đến Tương Lai. Ling chưa có máy tính, nên em nắn nót từng chữ trên bàn phím nhỏ xíu của điện thoại. Những dòng văn cũng vì thế mà không quá chỉn chu. Khi biên tập, chúng tôi chỉ sắp xếp lại một chút câu chữ mà không muốn lược đi những tình cảm trong sáng mà Ling đã gửi gắm. Ling viết rằng những gì em mắt thấy, tai nghe cho em cảm hứng để “sẽ có một ngày, một thời khắc nào đó tôi cũng sẽ có cảm xúc như vậy của riêng mình là tự hào, kiêu hãnh và sẵn sàng với tất cả.” The VinaCapital Foundation chắc chắn sẽ đồng hành với Ling trong suốt chặng đường này.
Tác giả: Rơ Châm Ling
Biên tập: Quỳnh Như và Minh Hằng
Thiết kế: HBlien Rahlan
—
Chúng tôi bắt đầu Ngày Hội Ước Mơ sáng 13/7/2019. Có lẽ 11 bạn miền trung không còn lạ lẫm với nhau vì trước đó cả hai chặng và cả đêm 12/7/2019 tất cả đã có thời gian bên nhau cùng chuyện trò, cùng hoài niệm lại năm cũ. Nhưng thấp thoáng trong khuôn mặt mỗi người dường như đều đang háo hức cho chặng ba: chuẩn bị cho những bài học, kinh nghiệm mới sắp diễn ra trước mắt.
8h30 sáng ngày thứ sáu 13/7/2019, tôi và 10 người bạn từ miền Trung cùng nhau cất cánh với nhiều niềm thích thú cũng như sự chờ đợi những thử thách mới. Chúng tôi đã quen nhau từ trước sau 2 chặng đường Ngày Hội Ước Mơ và trò chuyện rất nhiều về năm vừa qua của mỗi người.
Ở Tân Sơn Nhất hơn một giờ sau đó là cuộc hội ngộ của những người bạn phương xa. Sự mệt mỏi sau chuyến bay dài của các bạn miền Bắc bị thay thế bằng những nụ cười thật tươi, những lời chào ngọt ngào, chân thành. Chúng tôi không còn sự câu nệ và bối rối của những ngày đầu mới quen nữa. Một năm dài xa cách, có cô bạn còn đùa, “Bọn mình như Ngưu Lang – Chức Nữ ấy nhỉ!” Những tiếng chào hỏi ríu rít suốt trên chuyến xe về khách sạn, những bữa ăn một lần nữa chúng tôi có thể ngồi bên nhau để thấy mỗi người tỏa ra sự tự tin, hòa nhã nhưng cũng rất năng động. Tôi vô thức bật cười vì thấy quá hạnh phúc.
Điểm đến đầu tiên của hành trình là Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh. Được xem những hiện vật, những hình ảnh tư liệu quý giá, những bài học lịch sử mà tôi chỉ được xem qua sách vở trước đó hiện rõ trước mắt. Càng hiểu lịch sử nước ta, càng thấm thía những đau thương do chiến tranh sẽ càng thêm đồng cảm với đất nước và trân trọng giây phút ta đang sống.
Nếu bảo tàng nhắc nhở về sự mất mát của chiến tranh, thì Dinh Độc Lập cho tôi cảm giác kiêu hãnh. Từng gian phòng sinh hoạt và làm việc của Dinh cho tôi hiểu rằng tổ quốc được thống nhất tại chính không gian này. Tôi nghĩ xã hội rất đa chiều và là sự tổng hòa của nhiều cảm xúc. Chỉ trong một buổi chiều, chúng tôi đã đi từ sự đồng cảm, yêu thương và biết ơn thế hệ cha anh đến cảm giác tự hào vì họ và chúng tôi, dù thời kỳ có khác nhau, đều là con dân đất Việt, cùng bên nhau để bảo vệ chủ quyền, tiếng nói và văn hóa Việt Nam.
Đến Sài Gòn mà không có một chút “du ngoạm” thì còn gì là trải nghiệm! Bữa tối với cơm gà và ly chè đá mát rượi lạ miệng mà ngon thật ngon. Ăn no thì… đi tiếp. Dưới ánh đèn rực rỡ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và chợ đêm Bến Thành, chúng tôi được giao một thử thách. Mỗi bạn một cây bút và giấy trong tay, sẵn sàng!
Các bạn biết không? 11 năm đến lớp, 7 năm học tiếng Anh nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình thả sức vào tiếng Anh như buổi tối ấy. Thử thách là trao đổi và ghi lại cảm nhận của du khách về Tp. Hồ Chí Minh. Hẳn là giao lưu có lẽ vẫn còn bập bẹ câu chữ, không trau chuốt ngữ pháp, chỉ đơn thuần vài ba từ cùng cử chỉ vụng về, nhưng du khách nào cũng ân cần trò chuyện với chúng tôi, lại còn được chụp hình cùng nữa. Tối muộn là cùng các bạn tập tiết mục đồng diễn cho đêm Gala, tập xong ai cũng mệt nhoài, còn tôi lặng người nghĩ đến những trải nghiệm trong ngày, thấy cuộc sống thật giàu ý nghĩa và mình đang ở trong một tập thể thật đoàn kết.
Ngày thứ hai của cuộc hành trình là những buổi học. Hội thảo đầu tiên về Giáo dục giới tính – sức khỏe sinh sản đối với nữ thanh niên” với Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, tiếp theo chúng tôi được nghe chia sẻ về xây dựng sự tự tin khi nói chuyện trước đám đông và kỹ năng lãnh đạo từ các chị Betty Trần, chị Anh Thư – cũng là một trong những sinh viên được VCF tài trợ, và cô Thảo Lê.
Chúng tôi tiếp tục thử sức mình bằng màn tự giới thiệu bằng tiếng Anh với sự hướng dẫn của các bạn tình nguyện viên của VCF, rồi lại lao vào thực hành sơ cấp cứu cả buổi chiều để giúp mình, giúp người những khi hoạn nạn. Nhưng không điều gì đáng nhớ trong ngày bằng lúc cả 50 cô gái vinh dự trở thành các thành viên của CLB Vì Hoàng Sa Trường Sa Thân Yêu. Được xem các tư liệu về biển đảo quê nhà, lòng tôi rạo rực không thôi, thấy trân trọng biển quê hương mình quá đỗi.
Cảm giác sung sướng lâng lâng ấy kéo dài mãi qua buổi tối của buổi Gala. Chúng tôi thay trang phục của dân tộc mình, mỗi bạn một sắc màu rực rỡ. Tôi tự hào bản thân mình là người con Jrai và người con đất Việt. Đứng trước 49 bạn khắp vùng miền đất nước, tôi xưng danh và chưa bao giờ tôi cảm thấy Việt Nam mình đẹp đến thế. Ở đấy, ngay hội trường đầy sắc màu, mỗi một người chính là sứ giả, là nhịp cầu trái tim kết nối khắp vùng miền Tổ Quốc. Kết tinh của những điều tinh túy nhất: là tiếng nói, là phong tục, là văn hóa riêng biệt… Nhưng chung một trái tim hướng về tổ quốc của chúng ta.
Những hoạt động cuối cùng của hành trình là cho tôi nhiều mong đợi nhất, vì đó là những cánh cửa mà chúng tôi tìm đến: các trường đại học. Chúng tôi chia làm 3 nhóm đến 3 trường, mỗi người một đam mê. Tôi chọn trường đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn nơi tôi đang gieo từng hạt mầm trong ý chí. Được lắng nghe, được trao đổi trực tiếp những thắc mắc với anh chị sinh viên và thầy cô, ngắm nhìn quang cảnh trường cùng lịch sử dày công tôi càng kiên định hơn với đam mê của mình.
Ba ngày đã kết thúc, cũng đến lúc tôi phải trở về nhà. Tôi bước lên xe, nhìn lại hành trình đã đi, lặng mình trước sự ồn ào náo nhiệt nơi thành thị, bỗng tôi sững sờ nhận ra mình đã vội vã biết chừng nào mà chưa kịp nhìn thật rõ thành phố tôi mong muốn được đến và học tập sau một năm nữa.
Tôi tiếc nhất là chưa thể một lần cảm ơn các cô chú, các anh chị của VinaCapital Foundation và Quỹ Học Bổng Vừ A Dính, cùng các nhà tài trợ đã giúp 50 nữ sinh chúng tôi được chắp cánh ước mơ. 3 ngày qua mọi hoạt động đều được chuẩn bị rõ ràng, chi tiết, để chúng tôi được học nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Buổi sinh hoạt ngoài trời ý nghĩa, buổi chia sẻ kiến thức thật sâu sắc…
Ngày Hội Ước Mơ là để nuôi dưỡng mơ ước, nhưng trước hết là học từ hiện thực cuộc sống và nuôi dưỡng nghị lực, niềm đam mê của mỗi người. Thật đúng khi chị Anh Thư chia sẻ “thế mạnh, đam mê, và nỗ lực sẽ mang bạn đến đích của đời mình”, hay như chị Betty “mọi điều nhỏ nhặt đều có món quà dành cho bạn, hãy gom nhặt chúng lại, đơn giản chúng là những viên kim cương đính trên chiếc áo mà bạn sẽ được mặc”. Và tâm đắc nhất là lời chị Thảo Lê, “hoàn cảnh chưa phải là khó khăn lớn nhất, hãy đặt hoàn cảnh làm bàn đạp cho cho bước nhảy của bạn nhé!”
Để rồi mọi cảm hứng, nguồn động lực như để khẳng định lại cho tương lai, cho bản thân về con người sau này mình sẽ trở thành trào dâng trong khoảnh khắc bác Rad trao tặng danh thiếp cho mình. Có lẽ tôi chưa cảm nhận được hết ý nghĩa của tấm danh thiếp, nhưng đôi chút vẫn cảm nhận được niềm xúc động hằn trên khuôn mặt của bác khi kể lại khoảnh khắc tấm danh thiếp đầu đời được đặt lên tay bác khi 27 tuổi. Lúc đó tôi đã nghĩ, sẽ có một ngày, một thời khắc nào đó mình cũng sẽ có cảm xúc như vậy của riêng mình là tự hào, kiêu hãnh và sẵn sàng với tất cả.
Ngày tháng đều trôi qua, một chặng đường tạm khép lại, dư âm của nó còn đọng lại trong trái tim để thành động lực. Mỗi bạn kiên định cho mình một ý chí, kết thành những tiếng vang nơi sâu thẳm trái tim: có thể ai đó sẽ cho rằng chúng tôi gặp khó khăn về tiếng nói, về hoàn cảnh sống, về xuất thân của mình, nhưng đó cũng chính là chí hướng vượt qua thử thách, được chúng tôi cất lên dõng dạc: “Mình đã sẵn sàng”.
Bài viết liên quan:
Ngày Hội Ước Mơ 2019: 50 nữ sinh dân tộc thiểu số sẵn sàng bước vào hành trình mới
Theo dõi Bản tin của chúng tôi để cập nhật thông tin
Xem Chính sách bảo mật để biết chúng tôi sử dụng và giữ thông tin cá nhân của bạn một cách an toàn như thế nào.