Vào ngày 11/12/2019, Liên đoàn Tim mạch Thế giới phối hợp cùng Tổ chức VinaCapital Foundation phối hợp cùng Hội Tim mạch Quốc Gia Việt Nam để tổ chức Tọa đàm về tăng huyết áp: Những giải pháp giảm thiểu gánh nặng bệnh lý tim mạch ở Việt Nam.
Tọa đàm quy tụ 40 chuyên gia hàng đầu trong phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp tại Việt Nam, bao gồm các bác sĩ tim mạch, nhà nghiên cứu, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia y tế công cộng, bao gồm GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về Phòng chống bệnh tim mạch, PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về Phòng chống bệnh tim mạch, Ông Jean-Luc Eiselé, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Tim mạch Thế giới, và Ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành của VinaCapital Foundation, thành viên của Liên đoàn Tim mạch Thế giới tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện của các cơ quan hợp tác và chính sách quốc tế quan trọng, bao gồm Liên minh NCD và RESOLVE-LINKS và được hỗ trợ bởi tổ chức Access Accelerated.
Ông Rad Kivette, Giám Đốc Điều Hành VinaCapital Foundation, một thành viên của WHF tại Việt Nam
Ông Jean-Luc Eiselé – Giám đốc điều hành Liên đoàn Tim Mạch Thế Giới, trình bày tại tọa đàm
Buổi tọa đàm bao gồm các bài thuyết trình tập trung vào các thách thức, đổi mới và các giải pháp tiềm năng cho các rào cản trong phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch tại Việt Nam. Trên toàn thế giới, cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng đối với tử vong do bệnh tim mạch và được biết đến với cái tên Kẻ giết người thầm lặng, vì khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp không ý thức được về tình trạng bệnh của họ. Tại Việt Nam năm 2016, các bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp, đã gây ra 31% tổng số ca tử vong tại quốc gia tương đương với hơn 170.000 người. Khoảng 91.000 người trong số các ca tử vong là do tăng huyết áp. Khoảng 19% số người trưởng thành từ 18-69 tuổi bị tăng huyết áp, nhưng chỉ có khoảng 13,6% trong số đó đang được điều trị tại cơ sở y tế. Mức độ nhận thức cũng như ý thức điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch ở khu vực nông thôn là thấp nhất.
GS Nguyễn Lân Việt phát biểu khai mạc tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Lân Việt trình bày về thực trạng bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm ở trên thế giới và ở Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến đưa ra nhận định về các rào cản đối với quản lý y tế và việc điều trị tăng huyết áp. Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TS. BS. Nghiêm Nguyệt Thu, thảo luận về cách tiếp cận việc phòng và điều trị tăng huyết áp từ góc độ dinh dưỡng. Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch và tăng huyết áp là hút thuốc lá, béo phì, chế độ ăn nhiều muối, lối sống lười hoạt động thể chất, lạm dụng rượu, sự đô thị hóa và ô nhiễm môi trường. BS.TS. Lại Đức Trường, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) chia sẻ thông tin về sự hỗ trợ của WHO từ công tác quản lý tăng huyết áp tại các trạm y tế cộng đồng ở Việt Nam, trong khi đại diện của PATH chia sẻ về cách tiếp cận đổi mới trong quản lý tăng huyết áp ở TP.HCM. Trong phiên kết luận, GS. TS Nguyễn Lân Việt, PGS. TS Nguyễn Thị Bạch Yến và các đại biểu y tế địa phương sẽ thảo luận về kinh nghiệm và góc nhìn về chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch trong bối cảnh các khu vực nông thôn và ở cộng đồng. Hầu hết các bệnh tim mạch có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống và môi trường. Những người bị bệnh tim mạch, hoặc có nguy cơ tim mạch cao do tăng huyết áp, cần được phát hiện sớm để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc nếu cần.
40 chuyên gia tích cực thảo luận tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm là một cơ hội tốt để các chuyên gia y khoa và y tế công cộng tập hợp để thảo luận tích cực nhằm đưa ra các biện pháp để giảm thiểu hậu quả của tăng huyết áp và các bệnh tim mạch tại Việt Nam. Trong vòng một ngày, những người tham gia hội thảo chủ động thảo luận và xây dựng sự đồng thuận về các rào cản chính trong phòng ngừa và quản lý tăng huyết áp, tìm ra giải pháp cụ thể và sau đó phát triển các kế hoạch hành động với mục tiêu thúc đẩy nhanh chóng các tiến bộ trong lĩnh vực này. Tọa đàm đóng góp vào chương trình quốc gia về phòng chống bệnh tim mạch trên cả phương diện khoa học cũng như các giải pháp thực tiễn, đặc biệt là sự hợp tác quý giá giữa các tổ chức Việt Nam với các Liên đoàn và tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Tri ân các diễn giả của tọa đàm
VCF trao hoa cho đại diện WHO, PATH, và Viện Dinh Dưỡng quốc gia tham dự tọa đàm
Buổi tọa đàm được phối hợp thực hiện bởi:
Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF): Liên đoàn Tim mạch Thế giới là cơ quan đại diện chính cho cộng đồng tim mạch toàn cầu, đại diện cho hơn 200 tổ chức tim mạch, cộng đồng khoa học, cộng đồng dân sự và các tổ chức của người bệnh từ hơn 100 quốc gia. Từ năm 1978, WHF đã và đang nỗ lực làm việc để hạn chế tử vong và xây dựng cam kết toàn cầu để cải thiện sức khỏe tim mạch ở các cấp độ thế giới, khu vực, quốc gia và cộng đồng. Tọa đàm WHF cung cấp một diễn đàn cấp quốc gia cho các bên liên quan về sức khỏe tim mạch để xác định các rào cản và tìm ra giải pháp phòng ngừa bệnh tim mạch và sau đó xây dựng kế hoạch hành động quốc gia trong đó có sự hợp tác của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, nhà hoạt động y tế và các tổ chức doanh nghiệp. WHF đóng vai trò là người điều phối toàn cầu của Tọa đàm, trao quyền và hỗ trợ các Thành viên của quốc gia trong việc lãnh đạo và triệu tập Hội nghị và đưa ra các Kế hoạch hành động. Kể từ năm 2016, WHF và các thành viên đã tổ chức 7 cuộc thảo luận bàn tròn ở Brazil, Colombia, Tây Ban Nha, Ả Rập Saudi, Philippines, Kenya và Mexico, về cholesterol, tăng huyết áp và phòng ngừa bệnh tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường.
The VinaCapital Foundation: Được thành lập năm 2006, The VinaCapital Foundation (VCF) là một tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký tại Mỹ và hoạt động tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế, trao quyền cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình y tế và giáo dục. VCF cam kết hoạt động minh bạch, tối ưu hóa các chương trình nhằm giúp đỡ hàng triệu người Việt Nam trên khắp 63 tỉnh thành mỗi năm.
Những chương trình y tế của VCF bao gồm Nhịp Tim Việt Nam và Khám Sàng Lọc nhằm phát hiện sớm các dị tật tim mạch bẩm sinh, tài trợ phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em nghèo tại các vùng nông thôn và tạo điều kiện để các em tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Bên cạnh đó là các chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ tại các tỉnh thành thông qua việc trao tặng các thiết bị y tế và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo chuyên sâu về tim mạch, cấp cứu, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em, v.v… với điển hình là chương trình Nâng Niu Sự Sống và Nâng Cao Năng Lực Cấp Cứu Nhi Khoa.
Trong lĩnh vực giáo dục, VCF thực hiện dự án “Mở Đường Đến Tương Lai” để mang đến cho các nữ sinh dân tộc thiểu số tại Việt Nam cơ hội học tập và hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn, thông qua đó giúp xóa giảm đói nghèo và phát triển cộng đồng.
Viện Tim mạch Việt Nam: với vai trò đơn vị đầu ngành về Tim mạch, Viện Tim Mạch Việt Nam là Viện chuyên khoa hàng đầu, sánh ngang tầm với các trung tâm Tim mạch lớn trong khu vực. Viện vừa là trung tâm điều trị lớn nhất cả nước với gần 30.000 lượt bệnh nhân nội trú mỗi năm, vừa là trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới trong cả nước. Viện cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học lớn với nhiều công trình nghiên cứu đã được quốc tế công nhận. Viện được Bộ Y tế giao làm đơn vị chủ trì triển khai, trước đây là Dự án phòng chống Tăng huyết áp và từ năm 2016 đến nay là Dự án phòng chống các bệnh Tim mạch. Mục tiêu chung của Dự án là khống chế mức độ gia tăng các bệnh Tim mạch phổ biến (Tăng huyết áp, Tai biến mạch máu não, Nhồi máu cơ tim). Với mục tiêu cụ thể là ít nhất 50% số người bị Tăng huyết áp được phát hiện sớm và ít nhất 30% số bệnh nhân Tăng huyết áp được phát hiện, quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
Để thực hiện các mục tiêu này, Dự án có các hoạt động chính gồm: Xây dựng hệ thống quản lý Dự án, Xây dựng các tài liệu chuyên môn phổ biến cho các tuyến, Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các mô hình sàng lọc, quản lý Tăng huyết áp để triển khai trong cả nước. Tổ chức đào tạo tập huấn cho nhân viên Y tế và giáo dục cộng đồng về Tăng huyết áp
Hội tim mạch quốc gia Việt Nam : Hội Tim mạch quốc gia Việt Nam được thành lập theo quyết định số 128-CT-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng do Phó Chủ tịch Nguyễn Khánh ký ngày 16/4/1992.
Hội Tim mạch Việt Nam có tên đầy đủ là: “Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam”. Hội Tim mạch là một tổ chức phi lợi nhuận, tập hợp các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch, các nhân viên y tế và các lực lượng xã hội khác với chung một mục tiêu cao cả: “Cùng chung tay chống lại gánh nặng bệnh tim mạch” (“Together to reduce the burden of cardiovascular disease”).
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Hội Tim mạch đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo anh chị em đồng nghiệp tại 63 tỉnh thành trong cả nước và cả quốc tế.
Từ ngày đầu thành lập chỉ có 250 hội viên, đến nay Hội đã có hơn 1300 hội viên, trong đó có hàng trăm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ đang tích cực hoạt động cho Hội và gần 50 hội viên danh dự là các Giáo sư, chuyên gia Tim mạch nổi tiếng từ rất nhiều nước trên thế giới tham gia.
Đến nay, Hội Tim Mạch đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành tim mạch nước nhà và trong cuộc chiến phòng chống các bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.”
Access Accelerated là tổ chức hợp tác đầu tiên với nhiều bên liên quan tập trung vào việc cải thiện công tác chăm sóc, quản lý các bệnh không lây nhiễm. Với sự tham gia của hơn 20 công ty dược phẩm sinh học, tổ chức này hợp tác với các đối tác như: Liên đoàn Tim mạch thế giới, Tổ chức Ngân hàng Thế giới, Tổ chức về Ung thư ở đô thị và “Liên minh về các bệnh không lây nhiễm” để giúp vượt qua nhiều rào cản tiếp cận với thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Access Accelerated sẽ hỗ trợ những cuộc đối thoại đồng thời khởi động các công tác thực tế để cải thiện phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web: AccessAccelerated.org
Theo dõi Bản tin của chúng tôi để cập nhật thông tin
Xem Chính sách bảo mật để biết chúng tôi sử dụng và giữ thông tin cá nhân của bạn một cách an toàn như thế nào.